Nội dung cuốn sách
Cuốn sách Châu Phi nghìn trùng gồm 5 phần chính, bao gồm những câu chuyện khác nhau về người bản xứ mà Isak gặp trong cuộc đời, cũng như những vị khách ở miền đất khác ghé thăm, một vài chương ghi chép về văn hóa các tộc người châu Phi, và cuối cùng là thời kỳ từ giã đồn điền cafe sau vụ làm ăn thất bại.
Đối với mình, đây là một cuốn sách khá kỳ lạ. Bởi ban đầu, cuốn sách Châu Phi nghìn trùng cho mình trải nghiệm giống như đang đọc một cuốn sách du ký hơn. Mình khá bất ngờ vì cuốn sách được giới thiệu là một trong những tác phẩm non fiction hay nhất mọi thời đại (và còn được bảo chứng bởi Hemingway nữa).
Tác giả đưa mình đi du lịch một vòng quanh châu Phi, khám phá dãy núi Ngong dài tít tận chân trời; đi xem đàn trâu rừng, linh dương; xâm nhập vào những tán rừng huyền bí trong khu bảo tồn; tận hưởng cuộc sống đa sắc màu của các bộ lạc châu Phi. Tuy nhiên, càng đọc, mình càng cảm thấy sự bức bối ẩn sau lớp ngôn từ rất thơ và bình yên của tác giả qua Châu Phi nghìn trùng.
Đó là sự tranh chấp giữa hai nền văn hóa Âu – Phi và những con người bị kẹt giữa sự tranh chấp ấy. Cả hai phía đều có niềm tin riêng và luôn trong trạng thái đấu tranh trong việc có hay không tiếp nhận những điều mới mẻ của đối phương. Dưới đây là một đoạn trích như vậy:
“Kamante có lẽ chẳng hề biết món ăn của chúng ta ngon lành ra sao, và bất chấp quá trình khai hóa đang diễn ra cũng như mối liên hệ hiện tại với nền văn minh, từ sâu thẳm trái tim, cậu là người Kikuyu thuần chất luôn bám rễ sâu vào các tập tục của bộ lạc, cũng như niềm tin xác tín ở chúng, như thể đấy là lối sống duy nhất xứng đáng với con người.”
Ngoài ra, ẩn trong những câu văn của Châu Phi nghìn trùng ấy là cuộc sống của người châu Phi khi phải đối mặt với nạn châu chấu, với những hiểm họa từ các lần di cư, và đôi khi còn để vận mệnh của bản thân cho người khác quyết định. Cùng với đó là sự nuối tiếc khi cảnh quan châu Phi dần biến mất qua những lần khai hóa văn minh.
Cảm giác thân thương và bức bối cứ thế xen kẽ nhau xuyên suốt cuốn sách. Sự đối lập đặc biệt này là điểm mình yêu thích nhất của cuốn sách, và đó là lý do thuyết phục mình rằng đây là một cuốn sách có ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Cuốn sách Châu Phi nghìn trùng là một kho tư liệu thú vị về văn hóa châu Phi. Xuyên suốt câu chuyện, tác giả mô tả khá chi tiết về tính cách, đặc điểm trang phục, món ăn, thậm chí là suy nghĩ của những tộc người châu Phi khác nhau. Một điều khá thú vị là những tư liệu này được đặt trong bối cảnh so sánh với nền văn hóa của châu Âu (cả những điều tương đồng và khác biệt).
Xem thêm: tại đây
Cảm nhận về cuốn sách
Điều này khiến cho toàn bộ cuốn sách mang một không khí phản biện rất sôi động. Cậu có thể thấy điều này rõ nhất trong những lần Isak đứng ra phân xử công bằng trong các cuộc tranh chấp giữa người bản địa với nhau.
“Một người da trắng, khi muốn bày tỏ tình cảm dành cho bạn sẽ viết: “Tớ không bao giờ quên cậu.” Người châu Phi họ lại nói: “Chúng tôi không nghĩ về bạn như một người lúc nào đó có thể lãng quên chúng tôi”.
“Mối quan hệ giữa người da trắng và da đen ở Phi châu về nhiều mặt rất tương đồng mối quan hệ giữa phái nam và phái nữ. Nếu người phái này nghe bảo địa vị của họ trong cuộc đời người phái kia không trọng yếu hơn địa vị người phái kia trong cuộc đời họ thì họ sẽ bàng hoàng đau đớn”.
Về ngôn từ, các cậu sẽ thích những phân đoạn tả phong cảnh trong cuốn sách Châu Phi nghìn trùng này, bởi phân đoạn đó sống động đến mức người đọc có thể vẽ ra một khung cảnh châu Phi của riêng mình.
“…bầu trời tuy hiếm khi có màu khác lơ hay tím nhạt, song lại mang một sinh lực xanh để tô lên non cao rừng cả ở khoảng cách gần thứ màu sắc tươi tắn, thăm thẳm. Ban trưa, không khí tựa như một sinh thể, ngùn ngụt như ngọn lửa; nó lóng lánh, cuồn cuộn và lấp lóa giống dòng nước, nó phản chiếu, nhân đôi vạn vật và tạo ra các ảo tượng phi thường”
Tuy nhiên, trong sách, tác giả dùng khá nhiều cách ví von trong Kinh thánh, cách nói chuyện trong giới quý tộc; nên sẽ có một vài nội dung hơi khó hiểu. Vì vậy, các cậu cần chú ý đọc chậm và đọc kỹ nha.
Mặc dù đây là cuốn hồi ký ghi chép lại hành trình tác giả từ khi đặt chân đến khi rời khỏi châu Phi, tuy nhiên cấu trúc của từng phần tương đương nhau. Nên cậu có thể chọn một phần bất kỳ trong sách để đọc trước nha, không nhất thiết phải đọc từ đầu đến cuối. Mọi người đừng bỏ qua phần IV – “Trích sổ tay của một người nhập cư” nha.
Phần này là những ghi chép siêu ngắn gọn về những kỷ niệm của tác giả ở châu Phi, đó có thể là một vài fact về quan niệm văn hóa, ghi chép ngắn về thiên nhiên… Nó như một dạng chuyện bên lề vậy, đọc khá vui.
Bài viết Review: “Châu Phi nghìn trùng” – Isak Dines của bạn Manh Đi Viết Thuê
Nguồn ảnh: Netabooks.vn
Xem thêm hoạt động SVHD: tại đây