Chuyện ngõ nghèo – một cuốn sách về lợn, người, lợn – người, người – lợn. Rất hay và thú vị.
Ở Hà Nội, vào cuối những năm 70 đầu những năm 80, bóng tối của cái nghèo bao trùm lên mọi ngóc ngách của cuộc sống. Trong hoàn cảnh ấy, phong trào nuôi lợn dậy lên như một hiện tượng mà người ta nghĩ rằng, làn sóng ấy sẽ giúp họ cuốn phăng cái đói nghèo và sự khổ cực.
“Chuyện ngõ nghèo” là nhật ký của một nhà báo về hưu tên là Hoàng, xoay quanh những chuyện nuôi lợn, những suy niệm về cuộc sống của ông và những người xung quanh.
Hoàng là một nhà báo bị ép về hưu sớm vì có “tư tưởng không đúng đắn”, “chống đối tổ chức”. Như bao người khác trong ngõ nghèo, gia đình Hoàng dần trở nên cùng quẫn. Ông đam mê vô cùng với việc nuôi lợn vì nghĩ rằng những con lợn ấy sẽ cứu được gia đình ông. Mà không chỉ ông Hoàng thích thú và mê say với việc nuôi lợn, bạn ông cũng vậy.
Họ nuôi lợn và nhìn lợn bằng những cái nhìn khác nhau. Dần dần, bầy lợn cũng trở thành một cộng đồng, trở thành xã hội, đế chế lợn. Và rồi chất lợn như lan tỏa tới cả con người, khơi gợi cái chất lợn vẫn trực diện trong sâu thẳm… con người dần đánh mất đi cái nhân hậu, kiên nhẫn, chính trực ban đầu.
Qua giấc mơ của ông Hoàng, Nguyễn Xuân Khánh thể hiện rõ quan điểm: một xã hội mà hệ thống trị có quyền kiểm soát tuyệt đối là một mối nguy cần phải được loại trừ. Việc kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc con người sẽ khiến ta dần trở thành những cái xác không hồn, trở thành con vật, chỉ biết thỏa mãn với những nhu cầu sinh học thông thường, chỉ biết suy nghĩ và sống theo những gì đã được lập trình sẵn. Vậy thì chất lợn đã chiến thắng chất người, người – lợn, giờ sẽ trở thành lợn – người, cái viễn cảnh sao mà khủng khiếp.
“Chúa đã chết. Thời vô trị đã đến.”
_
Những điều ma quái, rờn rợn, đau đớn về sự tha hoá của con người và bản thân thường trực trong đầu ông Hoàng luôn liên kết với hình ảnh con lợn. Ông nghiệm ra: Lợn không chỉ ăn cám, ăn rau, ăn bèo, mà chúng còn thích ăn máu và thịt người.
Vì để trang trải cuộc sống, ông Hoàng phải bán đi tủ sách quý của mình, những Chekhov, Dostoevsky, Hugo, Vũ Trọng Phụng… để lấy mấy đồng mua đồ ăn cho người và phục vụ thức ăn cho lợn. Lợn ăn gau gáu như thể cái chúng ăn không phải là cám thông thường, mà là xác thịt của những đại văn hào, huỷ diệt tri thức dường như mang tới cho lũ lợn sức mạnh vô biên và sự khoái chí.
Xã hội đói nghèo mở đường cho kinh tế được thể nghiền ép mọi sự, nhưng không làm kinh tế thì chỉ có nước chết đói, vậy nên vấn đề làm thế nào có thể giữ vững phẩm giá và chất người, để mình không bị ô nhiễm là một vấn đề hệ trọng.
Phóng chiếu xã hội người vào xã hội lợn, Nguyễn Xuân Khánh bóc tách, không chỉ hiện tại mà còn quá khứ, hướng tới, không chỉ bây giờ mà còn là tương lai. Khi những giá trị đạo đức xuống cấp, lao đao, lý tưởng con người bị kìm kẹp, khuôn đúc, khi kinh tế không còn là cái phục vụ cho con người mà con người phải nai lưng ra làm nô lệ cho kinh tế, khi con người rơi vào sự hoang mang và cùng quẫn,… tất cả những điều ấy được viết một cách hóm hỉnh, khôi hài, nhưng cũng đầy cay đắng và chua xót trong “Chuyện ngõ nghèo”.
Xem thêm các hoạt động của SVHĐ tại: tại đây