GS. KS. HS. PHAN VĂN TRƯỜNG TRỞ THÀNH CHỦ TỊCH DANH DỰ CỦA SÁCH VÀ HÀNH ĐỘNG

74505867_2530300607089190_8582256805382455296_o

Dự án SVHĐ vui mừng thông báo Thầy Phan Văn Trường đã nhận lời trở thành Chủ tịch danh dự của SVHĐ. Dưới đây là bài viết Thầy gửi đến các bạn thành viên SVHĐ và những hình ảnh của Thầy trong sự kiện Gala SVHĐ 2016. SVHĐ thật sự biết ơn Thầy và gửi lời chúc Thầy thật nhiều sức khoẻ.

Thầy Phan Văn Trường cùng các bạn thành viên CLB SVHĐ trong Gala SVHĐ 2016

“Hôm nay là ngày mà các bạn trong Câu Lạc Bộ Sách và Hành Động đã ngỏ ý muốn cá nhân tôi mang tới thêm đóng góp như là một điểm tựa tinh thần cho cả tập thể.

Tôi rất vui xin nhận vai trò đó trong một thời gian.

Từ nhiều năm, tôi đã được đi thăm rất nhiều nơi sinh hoạt của CLB SVHĐ. Tôi đã được gặp những tâm hồn trong sáng, tôi đã là nhân chứng trực tiếp của một sự đón nhận vô cùng tích cực từ các Trường Đại học, Trung học Phổ thông, vv…

Tôi đã được xem những tủ sách gom góp tất cả những gì có thể thu nhặt được và còn lại của nền văn hoá nước ta. Tôi đã được chứng giám tình yêu của các bạn đối với sách và rộng hơn, đối với văn hoá nói chung.

Những nỗ lực trong sáng và vô vị lợi của các bạn trẻ đã làm lay động cả tâm hồn của tôi, và hôm nay tôi rất sung sướng được gia nhập một gia đình tri thức rất đặc biệt. Đặc biệt ở sự tôn kính các văn phẩm, các văn hào, và tất cả những thành phần xã hội đã đóng góp cho nền văn hoá, trong đó phải kể đến các nhà mạnh thường quân, các nhà xuất bản sách, phân phối sách. Tôi cũng trân quý cả những gia tộc đã mang nhiều sách quý để đóng góp vào những tủ sách “mọc” lên khắp nơi trên giải đất này. Rồi đây, chẳng mấy chốc, độ phủ của các chi nhánh địa phương của CLB SVHĐ sẽ sớm bao hết lãnh thổ của đất nước.

Nhưng tôi còn có nhiều lý do khác nữa làm cho tôi có động lực rất cao để tham gia vào phong trào của các bạn trong CLB.

Đó là vì tôi muốn chia sẻ tinh thần dấn thân tích cực của các bạn trong những dự án, tuy còn khiêm tốn về mặt vật chất nhưng rất hào hùng nếu so sánh với những phương tiện eo hẹp của địa phương, rất đáng nể nếu biết rằng các anh chị em trẻ còn phải dốc hết nỗ lực vào việc học và các công tác xã hội khác nữa.

Ngày hôm nay với tư cách là Tân Chủ tịch Danh dự của Câu Lạc Bộ Sách và Hành Động, tôi xin chia sẻ đôi lời với các em.

Các em biết không, tất cả các em dù ít dù nhiều đều là những hiệp sĩ của thời mới. Người hiệp sĩ cho mà không đong đếm, anh hùng mà giữ khiêm tốn, sắc bén nhưng vẫn tôn trong tính nhân văn, manh dạn nhưng chỉ để tỏ thêm sự nhiệt tình đúng chỗ. Các em là tất cả những thứ đó tụ lại. Tụ lại trong tư duy, tụ lại trong việc làm, tụ lại trong tinh thần đạo đức, và nhất là tụ lại trong tâm hồn, cái tâm hồn Việt bất khuất nhưng lại yêu người, yêu đời sống, yêu văn hoá không những của dân tộc mà cả mọi sinh vật trong hệ sinh thái cộng đồng.

Thầy Phan Văn Trường đón nhận quà tặng từ Dự án SVHĐ cùng các khách mời khác

Để tiến lên mỗi ngày, các em hãy có trước hết những ý nghĩ đậm đà đối với phụ huynh các em, luôn luôn tặng cho các vị sinh thành những sự ấm áp mà họ khát khao từ các em.

Các em hãy có những ý tưởng tích cực cho tương lai, vì tương lai của đất nước là chính ở tay các em đó, không phân biệt Bắc Trung Nam, không phân biệt chủng tộc Kinh hay tất cả các dân tộc rải rác trong rải sơn hà, không phân biệt giai cấp, không phân biệt tôn giáo. Sẽ chẳng có cao-thấp, trong-ngoài, nhiều-ít, trước-sau! Các em chắc chắn sẽ làm được việc đó, một công việc mà đất nước chưa hoàn tất mà lại quá cần thiết trong công cuộc xây dựng hệ sinh thái. Chính cái hệ sinh thái không mang tính phân biệt mới tạo nên sự phát triển, vì động lực sẽ xuất phát từ sự đoàn kết, nhưng đoàn kết lại giúp cho tái tạo lại động lực. Các em là mẫu hình của sự đoàn kết đó, các em có biết không? Tuy rải rác mà vẫn đồng nhất, tuy từ mọi nguồn gốc khác nhau mà vẫn chỉ nhìn thấy sự tương đồng.

Các em hãy tự tin, vì chính mắt Thầy đã được trông thấy toàn dân tộc chúng ta đẹp và khôn ngoan như thế nào khi thầy đi khắp thế giới để có dịp so sánh. Đến ngày hôm nay, có lẽ những nỗ lực còn mang một chút tính cá nhân, còn có một chút rời rác, tuy nhiên, thầy đang mơ tới ngày nào mà toàn dân tộc sẽ tạo mọi điều kiện để mọi gia đình thực thụ lên thành phần Xã Hội Trung Bình, thay vì cứ rỏ rỉ tiếp tục tạo thêm mỗi ngày giai cấp công nhân lao động không chuyên môn. Tạo hệ sinh thái cộng đồng là giải pháp duy nhất để mỗi cánh chim cuối đàn tự tin tiến vào cái Xã Hội Trung Bình mà thầy hằng mơ. Vì sao vậy? Vì tất cả những quốc gia nào có những thành phần này đông đảo mới thực sự trở thành cường quốc. Thành phần trung bình đông đảo sẽ mở khoá cho những đô thị và thôn quê sầm uất, sẽ tạo nên một thị trường tiêu thụ năng hoạt, sẽ dẫn tới những hệ thống giáo dục đa dạng và chất lượng, sẽ tạo nên một cách rất tự nhiên sức thu hút để nền du lịch vô cùng tiềm năng của nước ta tìm được tốc độ và nguồn lực mong muốn, từ đó mọi thứ sẽ an nhiên và an toàn. Và tất nhiên sẽ tạo nên một nguồn công việc làm không bao giờ cạn, mỗi ngày một đa dạng, mỗi ngày một trù phú. Cho chính các em đó. Và cũng vì vậy, không có gì ý nghĩa hơn là chính các em tự tay tạo nên viễn tượng màu mỡ đó.

Những hệ sinh thái mà chúng ta sẽ tạo thành còn có những điểm trội khác nữa. Nó sẽ tự vận hành như mọi hệ sinh thái. Nó sẽ tự loại trừ dần dần mọi tiêu cực và có cả khả năng biến các tệ đoan thành những nguồn lực. Vậy điều kiện nào để tạo thành hệ sinh thái: đó là sự hội tụ của 3 điều kiện mà dân tộc đều có sẵn, tính bình đẳng trong sự sắp xếp hàng thứ, tính trung thực trong mối quan hệ hàng ngày, tinh thần đóng góp cao cho cộng đồng, cho dù đóng góp đó là cả thói quen phải có của sự phản biện tích cực.

Thầy Phan Văn Trường giao lưu với các bạn thành viên trong CLB SVHĐ

Từ nay, các em sẽ phải thay đổi vài thói quen, và trước nhất các em hãy tập trung vào việc đọc sách, vì chỉ có sách mới giúp các em tự học và tiến bộ được. Tự học là việc vô cùng cần thiết, nó sẽ bổ sung cho kiến thức, nó sẽ giúp các em kiến tạo được sự đa dạng trong sự hiểu biết, nó sẽ cho các em khám phá ra những chân lý vĩnh viễn của nhân loại chứ không thu hẹp sự hiểu biết vào những lợi ích nhất thời. Nó sẽ cho phép các em theo dõi những biến chuyển của cả địa cầu cũng như những tiến hoá về công nghệ. Thầy đánh giá sự tự học quan trọng gấp 10 lần những gì các em góp nhặt từ nhà trường.

Các em hãy chủ động. Chủ động trong việc quản lý thời gian của cá nhân mình. Đây là một yếu kém lớn của cả dân tộc, sống để đợi người khác, tuỳ thuộc vào người khác.

Các em hãy chủ động cả về những nguyên lý của cuộc sống. Từ năm 18 tuổi, các em được Pháp luật nhìn nhận là các em là của chính mình, mang mọi trách nhiệm trước xã hội của những hành vi và lựa chọn. Vậy thì các em hãy khéo léo quản lý cái tự do mà các em có, hãy tự quyết trên mọi lãnh vực như chọn môn học, chọn nơi ở, lấy những quyết định về hôn nhân và gia đình, cho dù thầy khẩn khoản khuyên các em nên lắng nghe những lời chỉ bảo của phụ huynh và những lời khuyên của người thân. Nhưng cuối cùng, các em vẫn là sở hữu của chính mình, một mình, và chỉ một mình thôi.

Các em sẽ tránh làm việc miễn cưỡng, tham gia miễn cưỡng, di chuyển miễn cưỡng, sinh hoạt miễn cưỡng, và tránh nhất là suy nghĩ miễn cưỡng.

Hãy giữ thời gian của mình cho chính mình và tránh tặng kho tàng của thời gian sống cho những chuyển vô bổ, vô lý và vô ích.

Các em hãy tự quyết, tự lập, tự quản, tự tạo, tự chế, tự sinh để cuối cùng có thể tự hào một cách chính đáng. Đừng vịn vào ai, và chớ để cho ai vịn vào mình, cho dù mình vẫn giữ nguyên tinh thần đoàn kết và làm việc nhóm. Vì làm việc nhóm là nơi xuất phát mọi ý tưởng sáng tạo cho sự đóng góp một cách tự do tự quyết. Đoàn kết cùng chung tư duy.

Cuối cùng các em hãy ý thức rằng ngày nay, cuộc sống rất đa dạng, không còn ai giống ai nữa trong thời đại 4.0, vậy các em hãy tránh mang tư duy bắt chước. Các em hãy cứ giữ lòng tin là Ơn Trên sẽ đem tới cho mỗi các em những cơ hội mà các em chờ đợi, mỗi người một thời điểm, mỗi người một phương án, mỗi người một thử thách muôn hình. Vậy các em phải tự tạo ra cuộc sống cá nhân, không chi phối ai mà không để ai chi phối, vẫn tìm sức mạnh từ sự kết đoàn, nhưng chỉ kết đoàn nếu mình đem sức mạnh của chính mình gia nhập lực lượng tập thể. Không tới tập thể để trao thân mà tới tập thể để uốn nắn tập thể theo cảm nhận chủ quan. Mang tinh tuý của bản thân để góp vào tinh hoa của nhân loại. Góp những giá trị của mỗi cá nhân để tạo nên một thành trì sáng giá.

Với những ý nghĩ trên, Thầy xin gia nhập đoàn thể, và chúc các em hạnh phúc trên mỗi bước tiến dẫn tới thành công”.

GS. KS. HS. Phan Văn Trường

Related Posts

Nhận tin mới nhất

Nhận những bài viết và tin tức mới nhất từ Sách và Hành động