[REVIEW – CÔ NÀNG Ở CỬA HÀNG TIỆN ÍCH]

z2882014706238_6b6a9b986a8c2bdd713662790207b885

Cô nàng ở cửa hàng tiện ích – mong muốn trở thành một phần của thế giới và ý thức kháng cự khuôn mẫu xã hội.
 

***

Trái ngược với chiếc bìa tươi sáng, đáng yêu, “Cô nàng ở cửa hàng tiện ích” là một cuốn sách có nội dung rất kì lạ, có phần u ám, kể về một người cũng kì lạ[*] không kém – Furukura Keiko

Furukura là một người phụ nữ trung niên, gắn bó hàng chục năm trời chỉ với một công việc duy nhất – nhân vien cửa hàng tiện ích 24 giờ. Cô không có một ý niệm nào về việc phải yêu đương hay lập gia đình – việc mà đa số mọi người ngoài kia đều nghĩ rằng, bất cứ một người phụ nữ nào cũng phải làm.

Những người như Furukura, đến tầm tuổi ấy mà vẫn một thân một mình, còn làm công việc lương lậu bèo bọt ở cửa hàng tiện ích thì đúng là không thể chấp nhận được và do vậy, chắc chắn sẽ trở thành đối tượng bị mọi người đem ra mổ xẻ, soi mói. 

Giữa những người bạn đã lập gia đình, có đối tượng, có công việc ổn định và địa vị xã hội cao, Furukura là một tồn tại dị biệt. Cô cố gắng cư xử “giống như một người bình thường”, hùa theo những câu chuyện của họ trong khi bản thân lại không thật sự quan tâm. Mình có cảm giác khi xây dựng nhân vật Furukura , ở một chừng mực nào đó, tác giả Murata đã trao cho nhân vật này một “kiểu” tâm hồn rất gần với trẻ thơ kiểu tâm hồn “tờ giấy trắng”.

Furukura ý thức được mình bị những người xung quanh ảnh hưởng và thay đổi như thế nào, song, cô chấp nhận những sự ảnh hưởng ấy, để chúng trở thành vết mực loang trên mặt giấy, bởi mọi người chính là “người bình thường”, còn bản thân cô là kẻ ở vùng ngoại biên, không biết cư xử sao cho đúng. 

Để không bị phán xét và gạt ra bên lề, cách duy nhất để bảo vệ chính mình là “bắt chước” những “người bình thường” khác.

***

“Tạo ra ‘tôi’ hiện tại là những người đang ở quanh tôi. 30% là chị Izumi, nữa là Sugawara, cửa hàng trưởng 20%, còn lại là hấp thụ từ những người trong quá khứ như chị Sasaki đã nghỉ từ năm trước, hay cậu Okazaki trưởng nhóm năm ngoái.”

“Giây phút này, tôi thấy mình như vừa được sinh ra. Chính xác ngày hôm nay tôi đã được sinh ra là một bộ phận bình thường của thế giới.”

Vì sao Furukura lại gắn bó với công việc ở cửa hàng tiện ích lâu như vậy? Xuyên suốt tác phẩm, có một ý niệm được Furukura nhắc đi nhắc lại – ý niệm về sự “bắt chước” để trở thành một hình mẫu “nhân viên ở cửa hàng tiện ích”.

Việc hóa thân vào một nhân viên của cửa hàng tiện ích theo đúng khuôn mẫu, với những lời chào và công việc lặp đi lặp lại như người máy rất dễ với Furukura. Chính tại cửa hàng ấy, khi làm công việc này, cô cảm thấy mình thật sự đã là một phần của xã hội bình thường, cùng vận hành chung một quỹ đạo với tất cả. Và cũng tại đây, cô cảm thấy mình có giá trị.

Để trở thành “một bộ phận bình thường của thế giới”, Furukura đã cố gắng rất nhều, thậm chí còn tự mình xóa ờ chính “tôi” (dù mình cảm nhận phần “tôi” của Furukura hiện hữu rất mờ nhạt, như thể cô được xây dựng giống như kiểu một nhân vật chức năng). Cô không hành động theo mong muốn của bản thân, mà những việc cô làm – tức giận, vui vẻ, sống cùng một người đàn ông khác, đều là vì những “người bình thường” khác muốn cuộc sống của cô phải diễn ra như vậy.

Furukura chính là điển hình cho việc căn cước cá nhân được nhào nặn, quyết định bởi các khuôn mẫu xã hội – trong khi mong muốn cá nhân lại bị bỏ qua. Có quy định nào nói rằng một đứa trẻ nên đau buồn khi thấy một chú chim chết? Có quy định nào nói rằng phụ nữ bắt buộc phải kết hôn và sinh con? 

Furukura Keiko đại diện xong con người hiện đại, đang phải chịu sự khuôn nắn của các diễn ngôn xã hội. Hẳn chúng ta đều ít nhất thử thay đổi, và cố gắng thay đổi cho giống với ai đó, trở thành một người nào đó có thể đáp ứng kỳ vọng của người khác.Ở Furukura, dường như không hề tồn tại chút ý niệm nào về sự kháng cự, mà cô cứ thuận theo mọi thứ một cách tự nhiên.

Đó là cách ta trở thành, cách ta sống, cách ta tồn tại trong xã hội. Cách ta là một “người bình thường”. 

Cái kết của câu chuyện khiến mình có cảm giác rờn rợn. Có thể đó là một cái kết tương đối vẹn toàn cho Furukura, khi nhận ra giá trị của mình gắn với công việc ở cửa hàng tiện ích và chống lại Shiraha; song cuối cùng, dường như Furukura cũng đã trở thành một con người vừa in với khuôn mẫu xã hội “nhân viên ở cửa hàng tiện ích”, và cô hạnh phúc vì điều đó.

Tuy thế sự nhận ra này của Furukura cũng khiến mình hết sức mâu thuẫn và băn khoăn. Vậy việc sống theo khuôn mẫu xã hội hạnh phúc hơn, hay sống theo cách của mình hạnh phúc hơn? Việc sống theo khuôn mẫu dù khi bắt đầu, ấy không phải mong muốn cá nhân, rồi cuối cùng cũng sẽ trở thành mong muốn cá nhân như vậy đó sao? Nhưng chỉ cần sống hạnh phúc là đủ rồi mà đúng không? Dần trở nên hạnh phúc với việc được khuôn nắn thế này rổt cuộc là tốt hay xấu? Nói thật là sau khi đọc xong, đầu mình cứ có rất nhiều những suy nghĩ trái ngược như vậy. 

Tóm lại, các vấn đề được đặt ra trong Cô nàng ở cửa hàng tiện ích khá hay và thú vị. 

Một cuốn sách đáng đọc. 

Xem thêm các hoạt động của SVHĐ tại: Tại đây

Related Posts

Nhận tin mới nhất

Nhận những bài viết và tin tức mới nhất từ Sách và Hành động