GÓC NHÌN VỀ THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CỦA BẠN TRẺ VIỆT

1503052904-1

Có thể nói, chưa thời gian nào Việt Nam nhắc đến Văn hóa đọc sách, thói quen đọc sách nhiều như những năm vừa qua. Rất nhiều chương trình, dự án khuyến đọc đã được triển khai đến nhiều đối tượng trong xã hội như: Sách hóa nông thôn, Đọc sách cùng con, Đại sứ Văn hóa đọc, Dự án Sách và Hành động…Không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực mà các chính sách, chương trình và dự án đã mang lại. Song chúng ta cũng luôn cần nhìn nhận, phân tích lại để có nhìn nhận chính xác nhất về thực trạng. Từ đó có những hướng đi, giải pháp đúng đắn, hiệu quả nhất.

Kỷ niệm ngày sách Việt Nam lần thứ 6 – 21/4/2019. Dự án Sách và Hành động thực hiện một khảo sát về những thói quen đọc sách của các bạn trẻ. Cuộc khảo sát hướng đến đối tượng là Học sinh và Sinh viên ngẫu nhiên trên toàn quốc. Thông số về cuộc khảo sát như sau: Có 1200 bạn đã tham gia khảo sát trong thời gian 1 tháng thực hiện khảo sát. Nhóm khảo sát đã thu về 1018 câu trả lời phù hợp với yêu cầu trong đó có 521 Học sinh và 497 Sinh viên. Hãy cùng điểm qua một số góc nhìn thú vị mà nhóm khảo sát đưa ra để chúng ta có thể hiểu thêm về thực trạng đọc sách ở các bạn trẻ.(Học sinh, Sinh viên).

1. Đâu là thể loại sách các bạn trẻ quan tâm?

Khảo sát cho thấy hai thể loại các bạn quan tâm nhiều nhất là Truyện, tiểu thuyết văn học và Kỹ năng. Tỷ lệ lần lượt là 24% và 21,2% với Học sinh; 27,1% và 19,9% với các bạn Sinh viên. Có thể thấy khảo sát phản ánh khá rõ với thực tế khi những cuốn truyện, tiểu thuyết kinh điển hay những cuốn sách của tác giả Nguyễn Nhật ánh luôn có sức hút mạnh mẽ với không chỉ các bạn trẻ. Dòng sách kỹ năng cũng được quan tâm nhiều hơn cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hôi. Nhiều ngành nghề mới, trẻ trung cùng phong trào khởi nghiệp và cuộc cách mạng 4.0. Chúng tôi nhận định xu hướng này sẽ còn duy trì trong nhiều năm tới và dòng sách kỹ năng sẽ có sự phát triển đặc biệt là với đối tượng các bạn trẻ.(Học sinh, Sinh viên)

Từ Học sinh đến Sinh viên có xu hướng chuyển dịch về thể loại sách. Tỷ lệ đọc Truyện, tiểu thuyết văn học ở ở Sinh viên cao hơn Học sinh: 24% với Học sinh và 27% với Sinh viên. Mặt khác tỷ lệ đọc sách Kỹ năng của Sinh viên lại thấp hơn Học sinh: 21,2% với Học sinh và 19,9% với Sinh viên. Ở môi trường Sinh viên các bạn có nhiều lựa chọn học về kỹ năng hơn như: Hệ sinh thái CLB đa dạng và sôi động, công việc làm thêm, thực tập…Chính điều này khiến việc lựa chọn đọc sách kỹ năng sẽ giảm hơn so với Học sinh. Cũng chính ở môi trường thực tế hơn nên nhu cầu về những sách mang lại thông tin, kiến thức tổng hợp như Báo, tạp chí, sách khoa học, lịch sử tôn giáo…cũng có xu hướng tăng với các bạn Sinh viên. Nhu cầu về sách Ngôn tình và Self-help của Sinh viên cũng giảm đi so với Học sinh.

Sách ngoại ngữ chiếm tỷ lệ không cao và không chênh lệch ở hai nhóm đối tượng: 8,7% với Học sinh và 8,9% với sinh viên. Với xu hướng phát triển, hội nhập chúng tôi nhận định dòng sách Ngoại ngữ cũng có xu hướng tăng trong những năm tới.

2. Các bạn thường đọc sách ở đâu?

Khảo sát cho thấy sự đa dng trong nguồn những cuốn sách mà các bạn thường đọc. Các nguồn sách không có sự chênh lệch quá nhiều. Mua cho mình một cuốn sách để sở hữu vẫn là phổ biến nhất: 44% với Học sinh và 50,2% với Sinh viên. Rõ ràng các bạn sinh viên có sự chủ động về tài chính, có sự đa dạng về các hiệu sách, nhà sách mới cũng như sách cũ nên có tỷ lệ mua sách cao hơn các bạn Học sinh. Song sự chênh lệch này không quá lớn, nó phản ánh về những chương trình, hội sách, cách thức mua bán ngày càng phát triển thu hẹp khoảng cách về hệ sinh thái sách giữa Học sinh và Sinh viên.

Có điều bất ngờ khi tỷ lệ mượn sách thư viện và bạn bè của Học sinh lại cao hơn Sinh viên. Khi hệ thống thư viện và môi trường bạn bè của các bạn Sinh viên thường đa dạng, phong phú hơn nhiều. Có thể do việc sẵn sàng mua mới và tự sở hữu cuốn sách cho mình trở nên dễ dàng hơn nên thói quen mượn sách cũng giảm đi ở các bạn Sinh viên. Tỷ lệ đọc sách online khác cao với 24,4% ở Học sinh và 26% ở Sinh viên.

Điều này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của hình thức đọc sách mới so với đọc sách giấy truyền thống. Nó cũng phản ánh thực tế khi có sự phát triển mạnh mẽ về các thiết bị số, thiết bị cầm tay trong nhiều năm qua mang đến sự tiện dụng, khả năng lưu trữ và tiết kiệm chi phí.

3. Cách bạn đọc bao nhiêu cuốn sách trong 2018?

Theo khảo sát thì tỷ lệ đọc sách trên 5 cuốn của các bạn Học sinh 52,7% cao hơn so với các bạn Sinh viên 43,1%. Sự chênh lệch này là đáng kể trong khi điều kiện để sở hữu hoặc mượn một cuốn sách, tổ chức tham gia một CLB khuyến đọc của các bạn Sinh viên là dễ dàng và thuận lợi hơn so với Học sinh. Cụ thể hơn là có tới 50% các bạn Sinh viên chỉ đọc từ 1-5 cuốn sách một năm.

Thực tế Dự án Sách và Hành động đang triển khai hai mô hình CLB Sách và Hành động cho hai đối tượng Sinh viên và Học sinh. Những số liệu, báo cáo trong 5 năm qua cũng cho thấy đối tượng Học sinh có sự thay đổi và phát triển rõ ràng hơn so với đối tượng Sinh viên.

4. Đọc sách liệu có quan trọng?

Số liệu cho thấy có đến 88% các bạn Học sinh và 91% các bạn Sinh viên hiểu được đọc sách và Quan trọng và Rất quan trọng. Điều này mâu thuẫn với số lượng đọc sách hạn chế mà các bạn đang đọc mỗi năm. Các bạn hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng, vai trò của việc đọc sách song vẫn chưa hình thành được thói quen đọc sách. Vấn đề mấu chốt vẫn ở đâu đó trong bài toán khuyến đọc mà chúng ta cần tìm hiểu rõ ràng hơn. Chỉ như vậy chúng ta mới có cách tiếp cận và hướng đi đúng trong hành trình “Phát triển văn hóa đọc”.

5. Kết luận

Khảo sát cho chúng ta góc nhìn và giúp chúng ta trung thực lại với tình hình thực tế. Chúng ta chỉ có thể phát triển tiến bộ lên một cách hiệu quả khi giải quyết đúng vấn đề và bắt đầu đúng từ vạch xuất phát. Chúng tôi đã thật sự bất ngờ khi nhiều CLB Sách và Hành động tại các trường Đại Học không quan tâm nhiều đến dòng sách Kỹ năng như chúng tôi vẫn nghĩ. Chúng tôi cũng rút ra được bài học rằng không cần nhắc quá nhiều đến tầm quan trọng của việc đọc sách khi hầu hết các bạn đã hoàn toàn ý thức rất rõ về nó. Sứ mệnh của Sách và Hành động là tạo dựng thói quen đọc sách vì chúng tôi quan niệm: Để phát triển văn hóa đọc, trước hết chúng ta phải có thói quen đọc sách đã.

Related Posts

Nhận tin mới nhất

Nhận những bài viết và tin tức mới nhất từ Sách và Hành động